TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
XÃ TÂN PHÚ ĐÔNG
THÀNH PHỐ SA ĐÉC

 
Thứ sáu, 17/05/2024

ĐÓN NHẬN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA "NGHỀ LÀM BỘT GẠO SA ĐÉC"

Nhân kỉ niệm 49 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2024) và Quốc tế lao động 01/5, tối ngày 26/4/2024, tại Quảng trường thành phố Sa Đéc, UBND Thành phố Sa Đéc phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” và Khai mạc Lễ hội Hòa Bình thành phố Sa Đéc lần thứ III năm 2024.
Đến dự có Mẹ VNAH Đàm Thị Bé Ba; ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Lê Thị Kim Loan – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Kiều Thế Lâm – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở VH-TT&DL, nguyên lãnh đạo tỉnh, thành phố qua các thời kỳ; Lãnh đạo Thành ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thành phố Sa Đéc; UBND các xã, phường; các vị chức sắc chức việc tôn giáo và các HTX, hội quán trên địa bàn thành phố.

 

Với lịch sử hình thành và phát triển trên 100 năm, nghề làm bột gạo Sa Đéc cũng đã trải qua không ít thăng trầm biến đổi của thời cuộc, nếu như vào những thập niên trước, làng nghề có trên 800 hộ sản xuất thì hiện nay chỉ còn trên 160 hộ, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên để giữ vững làng nghề, những người con nơi đây đã dần thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang áp dụng các thiết bị máy móc tân tiến, hiện đại vào các quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường với sản lượng bình quân hàng năm trên 30 ngàn tấn bột, những sản phẩm sau bột đóng góp cho thành phố trên 400 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động. Hiện các sản phẩm làm từ bột của địa phương không chỉ có mặt ở nhiều nơi trong nước mà còn vươn xa ra cả ở nước ngoài.
 

Để ghi nhận sự nổ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Sa Đéc trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề làm bột gạo Sa Đéc, tại buổi lễ, ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Huỳnh Thị Hoài Thu đã trao quyết định của Bộ VH-TT&DL cho Đảng bộ chính quyền thành phố Sa Đéc công nhận Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời nhiều tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp tích cực cho sự bảo tồn và phát triển Làng nghề cũng được UBND tỉnh và UBND thành phố khen thưởng.
 

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các ngành, các cấp cần đẩy mạnh quảng bá và tôn vinh những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Quốc gia, văn hóa bản địa, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đó, góp phần giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc để các giá trị này thấm sâu trong đời sống của mọi người, mọi nhà. Đảng bộ và chính quyền thành phố Sa Đéc cần sớm có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm Làng nghề; tổ chức, kêu gọi đầu tư, hợp tác để sản xuất, kinh doanh Bột ngày một vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế. Mặt khác, cần có sự gắn kết giữa Làng Hoa với Làng Bột, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ và du lịch để nhà vườn hoa kiểng và người làm bột không ngừng phát huy lợi thế, nâng tầm tư duy kinh tế nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc lễ hội Hòa Bình lần thứ III năm 2024, ông Nguyễn Văn Hon – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết với việc đón nhận “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sa Đéc khẳng định quá trình hình thành và phát triển của làng nghề, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khẳng định vị thế của nghề làm bột gạo Sa Đéc trong đời sống xã hội hôm nay và mãi mãi về sau. Sự kiện này là động lực để thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật để thành phố Sa Đéc tiếp tục không ngừng vươn xa trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, đưa du lịch Sa Đéc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, phù hợp với xu thế và sự phát triển bền vững.
Dịp này, các đại biểu cũng được thưởng thức chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc với chủ đề “Tự hào Sa Đéc quê tôi”.

 

Được biết, Lễ hội Hòa Bình thành phố Sa Đéc lần thứ III năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25/4/2024 – 01/05/2024 với các hoạt động như: Họp mặt kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024); Triển lãm các trưng bày giới thiệu các sản phẩm làm từ bột gạo, sản phẩm OCOP các huyện, thành phố trong tỉnh; Hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm sau bột trên địa bàn thành phố Sa Đéc; Hội thi chế biến 49 món ăn và bánh dân gian từ các loại bột Sa Đéc; Hội thi văn nghệ quần chúng tỉnh Đồng Tháp; Liên hoan các nhóm nhảy thanh niên; Giải bóng chuyền hơi Nữ, bóng đá mini Nam trong công nhân viên chức lao động và Triển lãm ảnh “Nghề làm bột gạo Sa Đéc xưa và nay”, không chính diễn ra các hoạt động tại Quảng trường thành phố Sa Đéc.
Bên cạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn Thành phố, thông qua các Lễ hội cũng góp phần rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh địa phương, thu hút du khách, hướng đến mục tiêu đưa Sa Đéc trở thành “Thành phố Lễ hội” trong tương lai.

Tin: Văn Đấu + ảnh: Hoài Thảo
Nội dung bài viết được đăng tải trên trang Fanpage: Phát Thanh Sa Đéc

Điểm xếp hạng trung bình 0


Nội dung tuyệt vời(0)
Nội dung hay(0)
Bình thường(0)
Không quan tâm(0)
Không phù hợp(0)
0 lượt xếp hạng
Mời bạn là người đầu tiên xếp hạng và nhận xét